Ngôn ngữ nói trong tiếng Nhật là cách diễn đạt tự nhiên, diễn đạt được thái độ, tâm trạng của người nói hay mối quan hệ giữa người nói và người nghe.
Nên nếu bạn hiểu các từ ngữ dùng trong ngôn ngữ nói của tiếng Nhật thì bạn có thể áp dụng để nói một cách văn chương hơn, hay đơn giản là sử dụng được các cách nói phù hợp trong các tình huống cụ thể

Dưới đây là một số các từ hay dùng trong ngôn ngữ nói chuyện tiếng Nhật và kèm theo ý nghĩa cũng như cách sử dụng của chúng trong từng trường hợp cụ thể để giúp các bạn nói chuyện tự nhiên hơn khi giao tiếng bằng tiếng Nhật.
WA: Dùng ở cuối câu, diễn tả sự suồng sã, thân mật
暑かったわ。 Nóng thiệt.
Vì WA dùng trong mối quan hệ thân mật, suồng sã nên tránh dùng với người mới quen hoặc người lớn tuổi.
NE: nhỉ, nhé
素敵ですね。
Tuyệt vời nhỉ.
さようなら!元気でね!
Tạm biệt! Mạnh khỏe nhé!
Vậy khi nào thì là “nhỉ”, khi nào thì là “nhé”? Bạn có phân biệt được “nhỉ” và “nhé” trong tiếng Việt không?
==> “nhỉ” dùng để tìm sự đồng tình của người nghe với một tính chất nào đó (Ví dụ “Món này ngon nhỉ”), còn “nhé” dùng để tìm một hành động nào đó từ người nghe trong tương lai (Ví dụ “Thi tốt nhé” = Hãy thi tốt )
SA: Dùng nối các vế câu khi người nói chưa nghĩ ra được cái phải nói tiếp, là “ý mà”, “ý hả” trong tiếng Việt
俺はさ、その子が好きじゃないよ。
Tôi ý mà, có thích con bé đó đâu.
あいつはさあ、何をやってもだめなんだよ。
Thằng đó ý hả, làm cái gì cũng hỏng.
YO: đâu, đây, đấy
これはだめだよ。
Việc này không được đâu.
行きますよ。
Tôi đi đây.
彼は教師ですよ。
Anh ấy là giáo viên đấy.
YO dùng để thông báo cho người nghe một sự việc gì đó (cái mà người nói biết và nghĩ mà người nghe không biết.) Tương ứng trong tiếng Việt là “đâu” (dùng với phủ định), “đây”
(hành động sắp làm), “đấy” (thông báo sự việc).
ZE: Dùng trong mối quan hệ suồng sã, thường để rủ rê
ゲームをやろうぜ。
Chơi điện tử đi!
ZO: Dùng thông báo giống “YO” nhưng chỉ trong hoàn cảnh suồng sã
警察だ!やばいぞ!
Cảnh sát tới! Nguy rồi!
ZO chỉ dùng khi nói với người dưới hoặc bạn bè ngang hàng.
I: “hả”, dùng người trên nói với người dưới mục đích nhấn mạnh câu hỏi
なんだい?
Cái gì hả?
ご飯を炊いたかい?
Đã nấu cơm chưa hả?
Cách nói này cũng hay dùng khi cảnh sát thẩm vấn phạm nhân, là một cách hỏi mà gây áp lực. Hoặc là dùng hỏi kiểu thân ái trong gia đình.
KASHIRA: (tự hỏi bản thân), “có … không nhỉ?”
彼は私が好きかしら?
Anh ấy có thích mình không nhỉ ?
Chú ý: Chỉ nữ mới dùng “kashira”, còn nam (và cả nữ) sẽ dùng “kanaa”.
KANAA: “có … không nhỉ?” giống với KASHIRA, cả nam và nữ đều dùng được
雨が降るかなあ?
Trời có mưa không nhỉ?
NO: Để cuối câu để nhấn mạnh
どうしたの?
Sao vậy?
TTE là dạng tắt của “tte itta”, “tte iu” (“đã nói là … mà”)
行けないって!
Đã bảo là mình không đi được mà!