Văn hóa sử dụng dù của người Nhật Bản

Dù được biết đến là một vật dụng dùng để che mưa che nắng. Tuy nhiên tại Nhật Bản, dù còn là một nét đẹp nổi tiếng trong văn hóa nước này.

Vật dụng quen thuộc với người Nhật Bản

Nếu sinh sống ở Nhật Bản một thời gian đủ lâu, với con mắt của một người nước ngoài, chắc hẳn một số người sẽ nhận ra một hình ảnh thú vị trên đường phố Nhật Bản. Đó là hình ảnh của những chiếc dù đủ màu sắc tinh tế được người Nhật sử dụng như một vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Việc sử dụng dù bất kể trời mưa hay nắng, việc tạo ra những chiếc dù vừa đẹp vừa bền hay việc chuẩn bị sẵn những cái bao bọc dù ở nơi công cộng v.v…không đơn giản là một hiện tượng xã hội mà ẩn chứa trong đó là một nét văn hóa đặc sắc của quốc gia này.

Từng là biểu tượng của tầng lớp cao quý

Thói quen sử dụng dù của người Nhật được cho rằng xuất phát từ việc ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Vào thời Heian (794-1185), những chiếc dù truyền thống Wagasa làm bằng giấy và tre được giới quý tộc sử dụng như một vật che nắng và trừ tà. Đồng thời, dù cũng được xem là một biểu tượng của tầng lớp cao quý mà dân thường không được sử dụng. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, kể từ thời Muromachi (1336-1573),  Wagasa dần được  sử dụng như một nét chấm phá độc đáo trong các buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống như kịch Kabuki, kịch No, trà đạo,… Hình ảnh Wagasa đã trở thành một biểu tượng đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Từ thời Meiji (1868-1912), khi Nhật Bản bắt đầu du nhập văn hóa phương Tây thì đồng thời những chiếc dù nhỏ nhắn và gấp lại gọn gàng được người dân sử dụng như một vật che mưa che nắng, thậm chí nó đã trở thành vật bất ly thân trong sinh hoạt hàng ngày của họ. Theo thống kê hàng năm, có khoảng 130 triệu chiếc dù được tiêu thụ trong khi dân số của quốc gia này xấp xỉ khoảng 127 triệu người. Xung quanh việc sử dụng dù trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể nhận thấy rằng đó là một minh chứng cho sự chu đáo, tỉ mỉ và đề cao tính cộng đồng của dân tộc Nhật Bản.

Các loại dù độc đáo chỉ có ở Nhật Bản

Dù gấp Oritatami

Là loại dù phổ biến có thể dù trời mưa hay nắng. Loại dù này có nhiều màu sắc và hoa văn đa dạng. Ngoài ra, nếu bất chợt gặp một cơn mưa thì  dù nilon trong suốt là sư lựa chọn tối ưu có thể mua bất cứ lúc nào ở các cửa hàng tiện lợi Family Mart hay 7-Eleven với giá khá rẻ, tầm khoảng 500 yên.

Dù “nở hoa”

Ngoài ra, những chiếc dù đang được ưa chuộng hiện nay là “Dù nở hoa” – Hana ga saku Kasa, với giá dao động từ 1.000 đến 2.000 yên. Ban đầu, loại dù này trông giống như các loại dù khác. Nhưng khi bị ướt, hoa văn trên tán dù sẽ từ từ hiện rõ trông rất đẹp.

Thể hiện sự tinh tế và chu đáo của người Nhật

Trước tiên, sự chu đáo và tỉ mỉ của người Nhật được thể hiện rất rõ qua việc thiết kế dù dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng và những tiện ích kèm theo. Những chiếc dù đa dạng, dù bằng chất liệu nilon trong suốt rẻ tiền hay có màu sắc, hoa văn phong phú với giá khá cao thì thiết kế của một chiếc dù vẫn hướng đến sự tiện lợi cho người sử dụng với nút bấm mở nhẹ nhàng.

Tại các chung cư, văn phòng, tòa nhà lớn hay các nơi mua sắm, chúng ta dễ dàng bắt gặp các giá gác dù để sẵn. Người dùng có thể mua kèm bọc đựng dù với giá khoảng 100 yên để bọc lai dù của mình khi bỏ vào những giá gác dù đó. Những bọc đựng dù được sản xuất nhằm mục đích tránh nước trên dù nhỏ xuống sàn gây ẩm ướt. Có thể nói, sự tỉ mỉ của người Nhật mới có thể tạo ra những sản phẩm kỳ lạ như thế.

Hơn nữa, sự chu đáo và hướng đến cộng đồng của người Nhật không dừng lại ở đó. Theo tin tức của TBS News, từ năm 2018, trung tâm mua sắm lớn Odakyu cung cấp cho khách hàng một dịch vụ mới với thiết bị có tên là Kasabini poipoi. Khi người dùng đưa dù vào khe của thiết bị này thì máy sẽ tự động kéo bao nilong bọc dù ra. Khe của máy rất hẹp và không hút được các vật dày, đề phòng trường hợp an toàn cho tay trẻ em. Mặc dù được bán với giá khá cao, khoảng 1.580.000 Yên, nhưng với mục đích hướng tới việc thu gom rác thải từ bao nilon và giảm tải sức lao động cho nhân viên vệ sinh, Kasabini poipoi trở thành một vật dụng không thể thiếu trong đất nước yêu chuộng dù như Nhật Bản.

Nguồn: Kilala